Chào mừng khai giảng
Banner Top AnViet2
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ

230

1621650

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an
Công an Thành phố Hà Nội
Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Công an Thành phố Đà Nẵng
Công an nhân dân online
ANTV
An ninh thủ đô

Bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

07/11/2014

Bảo vệ bí mật nhà nước là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng hơn 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, không để lộ, lọt bí mật, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và hoạt động của ngành Ngân hàng.


Lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, có tính nhạy cảm cao và tác động lan truyền mạnh trong đời sống, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam là một nước đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng hiện nay bằng khoảng 120% GDP nên vai trò của lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong phát triển kinh tế -  xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia càng quan trọng hơn. Cũng vì vậy, tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với ngành Ngân hàng nói riêng và hệ thống chính trị của nước ta nói chung.

Sau khi Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành năm 2000, hệ thống văn bản pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng đã được các cấp, các ngành ban hành khá đầy đủ, chi tiết, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg ngày 20/1/2003 về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành Ngân hàng; soạn thảo và đề nghị Bộ Công an ban hành Quyết định số 151/2003/QĐ-BCA (A11) ngày 11/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Ngân hàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN  ngày 17/12/2007 quy định về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng để giúp các đơn vị trong Ngành xác định chính xác độ mật của văn bản ngay từ khi bắt đầu soạn thảo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng (Quyết định số 1087/2003/QĐ-NHNN ngày 17/9/2003 và Quyết định số 316/2004/QĐ-NHNN ngày 31/3/2004), đảm bảo công tác bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện thống nhất, phù hợp với đặc trưng của ngành Ngân hàng. Các quy định về bảo vệ bí mật trong ngành Ngân hàng cũng được Ngân hàng Nhà nước quan tâm rà soát thường xuyên để sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, ngành Ngân hàng đã quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong Ngành. Các đơn vị trong ngành Ngân hàng cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng nói riêng. Nhờ đó, công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng hơn 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, không để lộ, lọt bí mật, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và hoạt động của ngành Ngân hàng.

Sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó tiến trình mở cửa đối với lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đối phó với những diễn biến bất lợi do kinh tế thế giới  và khu vực mang lại. Cùng với đó, công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước đòi hỏi nâng cao tính công khai, minh bạch và hiện đại hoá hoạt động ngân hàng để đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như sự phát triển vượt bậc của thông tin truyền thông.

Thứ nhất, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế hiện nay và được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đồng thời vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong quá trình hội nhập. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc giải quyết hài hoà mối quan hệ đó đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị của nước ta.

Để góp phần giải quyết mối quan hệ này, một trong những vấn đề đặt ra là cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước cũng như các quy định về nâng cao tính công khai, minh bạch trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, hành lang pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước chậm được đổi mới và không theo kịp xu hướng phát triển của đất nước. Tính đến nay, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước đã ban hành được hơn 10 năm nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, trong khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước đã có rất nhiều thay đổi từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới. Việc nâng cao tính công khai, minh bạch trong đời sống kinh tế - xã hội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, thực hiện quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát và nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, do Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước chưa được sửa đổi, bổ sung nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Pháp lệnh chưa thực hiện được[1][1]. Điều này đã làm ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo hài hoà giữa nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước và nhiệm vụ nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Với vai trò là một trong những ngành tiên phong về mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế, yêu cầu về nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng càng trở nên cấp thiết hơn vì so với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và các nước trong khu vực, tính công khai, minh bạch về thông tin trong lĩnh vực này của nước ta còn nhiều hạn chế. Để cải thiện tình hình, trong năm 2011, thực hiện chương trình xây dựng văn bản hướng dẫn Luật NHNN và Luật Các TCTD năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, ban hành Thông tư 35/2011/TT-NHNN ngày 11/11/2011 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước, trong đó danh mục thông tin công bố về tiền tệ, ngân hàng đã được cải thiện đáng kể so với hiện nay với gần 20 loại thông tin mới sẽ được công bố trên Website Ngân hàng Nhà nước. Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình nâng cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nhưng so với thông lệ, chuẩn mực công bố thông tin của Ngân hàng Trung ương các nước thì vẫn còn một khoảng cách[2][2].

Thứ hai, tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực đòi hỏi mức độ hiện đại hoá rất cao về công nghệ thông tin cả trong các hoạt động nghiệp vụ, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng cũng như công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đòi hỏi này càng mạnh mẽ hơn khi mức độ mở cửa trong lĩnh vực này ngày càng lớn và quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được triển khai thận trọng nhưng quyết liệt để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng đã rất chú trọng đầu tư hiện đại hoá hoạt động quản lý, quản trị, điều hành và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển vượt bậc của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua với năng lực quản lý, quản trị, điều hành và khả năng cạnh tranh, cung ứng dịch vụ ngân hàng ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế và đang từng bước tiến gần hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình hiện đại hóa hoạt động ngân hàng cũng đem đến nhiều thách thức trong vấn đề bảo đảm an toàn và bảo mật hệ thống thông tin tiền tệ, ngân hàng cũng như công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin nói chung và thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước nói riêng, hạn chế những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, ngành Ngân hàng đã tích cực hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình, thủ tục trong từng khâu, từng hoạt động nghiệp vụ cũng như hoạt động quản lý, điều hành; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; thường xuyên đổi mới, áp dụng công nghệ bảo mật mới, hiện đại, an toàn; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngân hàng, nhất là các cán bộ thường xuyên tiếp xúc với các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng với năng lực, trình độ còn hạn chế, trong khi các loại hình tội phạm công nghệ cao đang phát triển ngày càng tinh vi thì việc bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng cần tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức để hạn chế tối đa các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.

Thứ ba, hoạt động thông tin, truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội của nước ta với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại và đa chiều. Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động thông tin, truyền thông cũng tạo ra những ảnh hưởng bất lợi nhất định đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi đưa tin thiếu tính chính xác, không trung thực hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Vì vậy, việc quản lý, kiểm soát hoạt động thông tin, truyền thông để đảm bảo tính chính xác, trung thực và không vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước luôn được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, công tác thông tin tuyên truyền càng trở nên quan trọng và được xác định là một trong các nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ những tồn tại, yếu kém của bản thân hệ thống ngân hàng và những tác động bất lợi từ những biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế, tài chính thế giới và khó khăn của tình hình trong nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới và khắc phục những tồn tại, yếu kém của hệ thống, ngành Ngân hàng đang phải tập trung cao độ để triển khai quyết liệt quá trình tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng, vì vậy thông tin về tiền tệ, ngân hàng đang ngày càng trở nên nhạy cảm và được quan tâm hơn bao giờ hết trong đời sống kinh tế - xã hội.

Muốn phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế tối đa tác động bất lợi của thông tin trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong thời gian tới, công tác thông tin tuyên truyền và bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng cần được các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông và bản thân mỗi tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm vì sự phát triển chung của hệ thống ngân hàng và của cả nền kinh tế. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng và các cơ quan quản lý báo chí trong thời đại thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần thường xuyên công bố thông tin chính xác, kịp thời về tình hình tiền tệ của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để định hướng dư luận, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, không để lộ, lọt các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các thông tin về tiền tệ, ngân hàng trên các phương tiện thông tin truyền thông để hạn chế tối đa việc đăng tải thông tin thiếu chính xác hoặc thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Có thể thấy rằng, tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, nhưng công tác này cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới, cần có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đồng thời, phải có những giải pháp toàn diện và đồng bộ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó có việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước trong điều kiện hội nhập quốc tế; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý, điều hành của các cấp, các đơn vị. Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện đại và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Đặc biêt, cần hết sức coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, bởi suy cho cùng, trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, con người là yếu tố quan trọng nhất.

In bài viết Quay lại

Bài viết khác
VIDEO
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
ALBUM
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
THÔNG BÁO