Chào mừng khai giảng
Banner Top AnViet2
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ

303

1627061

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an
Công an Thành phố Hà Nội
Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Công an Thành phố Đà Nẵng
Công an nhân dân online
ANTV
An ninh thủ đô

Chủ động phòng ngừa rủi ro tài chính, tiền tệ

15/06/2016

Khủng hoảng tài chính bao gồm khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng nợ luôn là nỗi lo lắng của mọi quốc gia. Do đó, nhận diện và phòng ngừa rủi ro tài chính, tiền tệ luôn là một ưu tiên quan trọng nhằm tránh các cú sốc bất lợi, có thể khiến con tàu kinh tế chệch khỏi đường ray.

Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn rủi ro, khó khăn nhất

 

Trong một hội thảo vừa diễn ra tại Đại học Kinh tế Quốc dân, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kể một câu chuyện: “Khi tôi hỏi người dân Việt Nam liệu có gặp khủng hoảng tài chính không?”, đa số người dân nói 3-4 năm tới Việt Nam không có khủng hoảng tài chính. Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một anh bạn người Nhật Bản thì anh ấy nói chúng ta sẽ vấp phải một cuộc khủng hoảng đâu đó trong tương lai. Kể câu chuyện vui này để thấy mức độ lạc quan của chúng ta ở mức nào so với thế giới?”

 

Không phải ngẫu nhiên vấn đề an ninh tài chính lại được đặt ra lúc này. Thực tế cho thấy, sau những cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng nợ cho vay bất động sản dưới chuẩn của Mỹ, khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á vào năm 1997, khủng hoảng nợ công của Chính phủ từ Ireland đến Hy lạp gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.

 

Điều này cho thấy các quốc gia ngày càng coi trọng vấn đề kiểm soát an ninh tài chính, tiền tệ, coi nó như vấn đề hệ trọng để ổn định và phát triển bền vững thị trường tài chính, cũng là để ổn định và phát triển kinh tế.

 

Trả lời cho câu hỏi "Việt Nam có gặp khủng hoảng tài chính không?", một nghiên cứu của TS Võ Trí Thành, TS Lê Xuân Sang đã đưa ra câu trả lời: Dù có nhiều biến động và đối mặt với không ít khó khăn từ năm 2011 đến nay song hầu hết các ý kiến đều nhận định hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn rủi ro, khó khăn nhất.

 

Mức độ ổn định của hệ thống tài chính Việt Nam được củng cố đáng kể từ nửa cuối năm 2013 đến nay với các dấu hiệu lành mạnh hóa, phục hồi ngày càng rõ nét hơn. Nhiều chỉ số an toàn tài chính vĩ mô như tăng trưởng cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, tỷ giá… liên tục được cải thiện.

 

Tuy vậy, việc nhiều chỉ số an toàn tài chính vĩ mô khá tốt không có nghĩa là hệ thống tài chính không bị sa vào khủng hoảng. Trên thực tế Việt Nam còn gặp nhiều rủi ro trên các phương diện của an toàn tài chính, nhất là có liên quan tới nợ xấu, nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN). "Các rủi ro này không xuất hiện đồng thời khiến khủng hoảng tài chính chưa xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua" - nhóm tác giả trên nhận định.

 

Nhận diện rủi ro

 

"Soi" nợ xấu, nợ công, thâm hụt ngân sách, các chuyên gia đã thấy trước những dấu hiệu có thể gây bất ổn an ninh tài chính tiền tệ trong tương lai.

 

Chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank cho rằng: Chất lượng tín dụng của ngân hàng thường được đánh giá qua chỉ tiêu nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cao khẳng định một sự phát triển thiếu bền vững, nguy cơ bất ổn hệ thống là rất lớn. Việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh là việc làm cấp thiết cho việc an ninh tài chính trong hoạt động ngân hàng.

 

Trong kinh doanh ngân hàng, để xảy ra nợ xấu trước hết là trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng vay vốn nhưng khi nợ xấu đã ở mức cao, kéo dài mà không nhanh chóng xử lý hiệu quả thì số lượng DN không có vốn sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể tăng lên.

 

Như vậy một lượng vốn lớn trong nền kinh tế không được quay vòng, điều này đã và đang đe dọa đến an ninh tài chính của hệ thống ngân hàng. Vì thế giải quyết nợ xấu không còn là việc riêng của ngân hàng, của khách hàng vay mà còn là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đưa nó vào hoạt động là thêm một biện pháp giải quyết nợ xấu cho nền kinh tế. Đến nay VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu của 39 tổ chức tín dụng.

 

Việc bán nợ cho VAMC giúp các ngân hàng thương mại có bảng cân đối tài sản sạch hơn, có điều kiện giải ngân các khoản vay mới đến DN. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu diễn ra rất chậm chạp, sau gần 2 năm hoạt động mới chỉ xử lý được 4.161 tỷ đồng. Đây vẫn được coi là điểm nghẽn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

 

"Hiện nay để lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, cần tập trung giải quyết nhanh nợ xấu. Nợ xấu chỉ có thể giải quyết rốt ráo khi các con số về nợ xấu của ngân hàng được thống kê chính xác, đầy đủ. Thực tế xử lý nợ xấu hơn 2 năm qua cho thấy một khi chưa minh bạch về số nợ xấu thì hiệu quả mang lại sẽ rất thấp cho dù NHNN có đưa ra nhiều biện pháp, chính sách" - bà Nguyễn Thị Mùi chia sẻ.

 

Đề cập đến mức thâm hụt NSNN của Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đánh giá: Chi NSNN của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao nên mặc dù thu NSNN tăng mạnh nhưng thâm hụt NSNN không giảm, thậm chí còn tăng.

 

Muốn cân đối NSNN, giảm thâm hụt NSNN và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu NSNN mà chỉ có thể giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.

 

Riêng về nợ công, theo nghiên cứu của TS Tô Đức Hạnh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho đến nay, nợ công Việt Nam vẫn được khẳng định là chưa vượt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên trong vài năm tới nợ công có khả năng tiếp tục tăng cao và thiếu bền vững.

 

Vì nhìn vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam từ nay đến năm 2020, có thể thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục phải đi vay để bù đắp những thiếu hụt đầu tư. Bởi tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Việt Nam hiện nay chỉ là khoảng 27% GDP trong khi mức đầu tư toàn xã hội đòi hỏi mỗi năm phải là 42% GDP, nhưng vài năm gần đây mức đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế chỉ đạt khoảng 30%.

 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và tài chính, Việt Nam đang đối diện với những vấn đề mới từ thế giới có khả năng ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ. Tình hình trong nước những năm qua cũng đã đặt ra những thách thức mới cho an ninh tài chính tiền tệ. Bất ổn kinh tế vĩ mô căng thẳng, kéo dài khiến cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế là con đường duy nhất để vừa nâng cao chất lượng tăng trưởng, vừa đảm bảo cho nền kinh tế có thể đứng vững được trước các cú sốc từ bên ngoài.

PV.

In bài viết Quay lại

Bài viết khác
VIDEO
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
ALBUM
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
THÔNG BÁO