Chào mừng khai giảng
Banner Top AnViet2
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ

178

1631678

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an
Công an Thành phố Hà Nội
Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Công an Thành phố Đà Nẵng
Công an nhân dân online
ANTV
An ninh thủ đô

Tình hình tài chính an ninh - và những vấn đề được đặt ra

07/11/2014

Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á vào năm 1997, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 xuất phát từ Mỹ, khủng hoảng nợ tại Hy Lạp gần đây và trong bối cảnh tự do hóa tài chính quốc tế đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay đã khiến các quốc gia ngày càng phải coi trọng vấn đề kiểm soát an ninh tài chính như một vấn đề quan trọng trong hệ thống an ninh chiến lược quốc gia.


Hội nhập kinh tế quốc tế mà then chốt là tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính một mặt tạo những ra cơ hội để giải phóng tốt nhất các nguồn lực phục vụ sự phát triển đất nước, mặt khác cũng đem lại cho các nền kinh tế nhiều nguy cơ thách thức, đặc biệt là các nền kinh tế mới chuyển đổi như Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao kiểm soát tình hình tài chính Quốc gia ổn định, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong bối cảnh nền kinh tế

Vấn đề kiểm soát an ninh tài chính Quốc gia ở nước ta sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bước đầu đã thu được những thành tựu đáng khích lệ như: Tăng cường hiệu quả sử dụng vốn; Giám sát đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng; Chủ động, linh hoạt phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ, kết hợp với các biện pháp kinh tế khác để ngăn chặn và hạn chế các tình huống bất lợi góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.... Tuy nhiên, nền tài chính Quốc gia còn bộc lộ nhiều bất cập như: Giảm dần hệ thống sở hữu Nhà nước trong hệ thống tài chính; Xung đột lợi ích trong kinh tế; Đô la hóa nền kinh tế; Lạm phát còn cao; Thị trường chứng khoán kém ổn định; Thị trường bất động sản diễn biến phức tạp và khó kiểm soát…

Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng ta cần tập trung vào phân tích các rủi ro cơ bản của quá trình quá trình hội nhập kinh tế Quốc tế tác động đến an ninh tài chính Quốc gia của Việt Nam, cụ thể như sau:
Rủi ro về tỷ giá
Việc dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào nước ta sẽ gây ra một lượng ngoại tệ lớn lưu thông trong nước tác động đến sự biến động của tỷ giá ngoại hối. Rủi ro về tỷ giá có thể xảy ra với mọi bộ phận trong nền kinh tế và tác động tới tất cả các thành phần trong hệ thống tài chính Quốc gia như: Nhà nước, Doanh nghiệp, Hệ thống ngân hàng thương mại, Thị trường Tài chính, Khu vực dân cư…

Tuy nhiên, rủi ro này càng lớn đối với hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng thương mại khi lương giao dịch ngoại tệ lớn. Hệ lụy của rủi ro tỷ giá là tác động kép đến lãi suất đồng nội tệ. Khi đồng nội tệ mất giá, tức tỷ giá hoán đổi giữa nội tệ và ngoại tệ đi vay tăng lên làm cho lãi suất cho vay nợ thực sẽ tăng đáng kể. Do đó, khoản nợ càng cũ thì lãi vay càng bị tăng khi tỷ giá tăng. Điều này, không chỉ trực tiếp tác động đến các doanh nghiệp vay vốn mà quan trọng hơn là nó tác động đến các khoản vay nợ của Chính phủ từ các tổ chức hay các định chế tài chính Quốc tế.
Còn rủi ro tỷ giá xảy ra đối với hệ thống các ngân hàng thương mại càng nhạy cảm và nguy hiểm hơn. Lịch sử hoạt động của ngành ngân hàng thế giới đã chứng kiến những tổn thất lớn hoặc thậm chí dẫn đến sụp đổ ngân hàng vì rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Barrings của Anh là một ví dụ điển hình.

Ở Việt Nam, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Ngân hàng thương mại bắt đầu kinh doanh ngoại tệ trên thị trường Quốc tế, nhưng cũng chủ yếu ở thị trường Singapore và Hồng Kông. Ở trong nước, Ngân hàng Ngoại thương là đơn vị được giao nhiệm vụ kinh doanh ngoại tệ, về sau mở rộng tất cả các ngân hàng thương mại đều được tham gia kinh doanh trên thị trường này. Giai đoạn đầu, do kinh nghiệm quản lý thị trường này chưa chặt chẽ, các ngân hàng đã cạnh tranh trong việc kinh doanh nên những hiện tượng đầu cơ ngoại tệ giữa các ngân hàng đã gây ra không ít khó khăn cho việc điều hành tỷ giá. 
Rủi ro thoái lui đầu tư
Cùng với quá trình mở cửa thị trường vốn, Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành công từ việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài như: nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, Đầu tư gián tiếp nước ngoài – FPI, viện trợ không hoàn lại – ODA. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là luồng vốn này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư vào những lĩnh vực không có hiệu quả kinh tế, thay đổi cấu trúc kinh tế nội địa, hủy hoại môi trường… và đáng lo ngại nhất là rủi ro rút vốn đầu tư đột ngột. Một khi xảy ra khả năng, các nhà đầu tư rút vồn đột ngột sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo dõi trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, chỉ số VN – Index phụ thuộc khá chặt chẽ vào động thái của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường này. Chỉ số VN – Index tăng cao liên tục trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 11/2006 – 03/2007 do nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vốn trên thị trường và chỉ số VN – Idex sụt giảm nghiêm trọng vào khoảng thời gian từ tháng 12/2007 – 03/2008 do nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường. Nếu quá trình rút vốn kèo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nhà đầu tư, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn của doanh nghiệp mong muốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Rủi ro gia tăng các khoản nợ Quốc gia

Tham gia vào quá trình tự do hóa tài chính cho phép, Việt Nam có thể huy động vốn dễ dàng trên thị trường vốn Quốc tế thông qua kênh phát hành Trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Việt Nam phát hành Trái phiếu Chính phủ lần đầu vào tháng 10 năm 2005 để phục vụ cho một số ngành sản xuất trong nước. Điều đáng nói là giá của Trái phiếu Chính phủ phụ thuộc vào hệ số tín nhiệm Quốc gia và kỳ vọng của nhà đầu tư vào dự án sử dụng vốn vay. Nên các khoản vay này nếu không được sử dụng thực sự có hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích thì có thể gây ra rủi ro rất lớn đối với hệ thống tài chính Quốc gia. Bài học đầu tư dàn trải, phát triển sản xuất kinh doanh ồ ạt, buông lỏng quản lý, giám sát... dẫn tới gánh nặng nợ nhiều chục nghìn tỷ đồng tại Vinashintrong thời gian qua là một ví dụ.  Rủi ro lạm phát

Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, việc thu hút dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và nguồn Kiều hối do người Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới tăng lên đáng kể. Đây là nguồn vốn rất quan trọng cho một nền kinh tế đang trong quá trình đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa như Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nguồn vốn nước ngoài chảy vào quá lớn trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế, hành lang pháp lý điều tiết chưa hoàn thiện thì việc hấp thụ một lượng vốn lớn có thể gây nên những biết động cho nền kinh tế. Lượng vốn nước ngoài được chảy vào các kênh đầu tư kém hiệu quả hoặc lượng Kiều hối chuyển về không nhằm mục đích đầu tư sinh lời thì tình trạng dư cung ngoại tệ trong ngắn hạn sẽ xảy ra trong hệ thống tài chính Quốc gia.

Trong trường hợp đó, Ngân hàng Nhà nước với vai trò người điều tiết cung cầu ngoại tệ phải bơm tiền đồng ra lưu thông để hút ngoại tệ về. Động thái này làm lạm phát gia tăng có thể gây tác động xấu không mong muốn tời toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phần trong hệ thống tài chính Quốc gia, nhất là tài chính khu vực dân cư, hộ gia đình và tài chính doanh nghiệp. Lạm phát cao gây mất giá đồng nội tệ sẽ làm cho lãi suất thực tăng lên, do đó các khoản nợ của Chính phủ tăng theo. Rủi ro đạo đức

Rủi ro đạo đức là một loại rủi ro có nguy cơ cao và tiền ẩn trong quá trình hội nhập quốc tế. Nó có quan hệ trực tiếp đến các hành vi rửa tiền trong phạm vi an ninh tài chính Quốc gia, tham nhũng trong phạm vi an ninh tài chính công, quan hệ tài chính không được pháp luật thừa nhận gây mất an ninh tài chính khu vực dân cư, doanh nghiệp…Đặc biệt trong những năm gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, công nghệ số, loại rủi ro này đã phát triển nhanh và diễn ra trên diện rộng. Vụ mạng “ kinh doanh tiền tệ” Colony Invest cuối năm 2006 là một điển hình ở Việt Nam. Tội phạm lừa đảo công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát và có thể gây ra những tổn hại cho an ninh tài chính Quốc gia.
Để kiểm soát tốt an ninh tài chính Quốc gia trong điều kiện hội nhập kinh tế Quốc tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo nền tài chính lành mạnh, an toàn, hạn chế rủi ro và phòng ngừa khủng hoảng tài chính, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Nâng cao năng lực giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, là việc làm cần được tiến hành thường xuyên liên tục và cần phải đặt ra trong quy trình vận hành hệ thống tiền tệ Quốc gia. Ở nước ta Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia là cơ quan đặc biệt vừa có chức năng hoạt động độc lập vừa có chức năng hoạt động phối hợp. Vì vậy, cơ quan này cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin, được trang bị các phương tiện hiện đại để đánh giá và xử lý tình hình. Trong trường hợp cần thiết có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp số liệu, tình hình hoạt động, kể cả việc huy động những chuyên gia đầu ngành để phục vụ nhiệm vụ giám sát. Trong cơ cấu của cơ quan này cần thiết phải có bộ phận chuyên trách hoặc phối hợp với cơ quan chức năng khác hoạt động như một cơ quan tình báo kinh tế chuyên thu thập và xử lý những thông tin đặc biệt nhạy cảm có liên quan đến an ninh tài chính Quốc gia.

Chỉ có như vậy chúng ta mới làm thất bại những âm mưu phá hoại an ninh tài chính Quốc gia trong tình hình mới hiện nay. Ngoài ra cơ quan giám sát tài chính Quốc gia cần thường xuyên nghiên cứu diễn biến và dự đoán tác động của các xu hướng tài chính tiền tệ trong nước, trong khu vực và trên thế giới; Chú trọng theo dõi cơ cấu và động thái nợ Quốc gia để kịp thời ngăn chặn khủng hoảng nợ, tránh không để rơi vào tình trạng không kiểm soát được nợ; Xây dựng và hoàn thiện chỉ tiêu giám sát tài chính Quốc gia dựa trên các chuẩn mực Quốc tế; Thực hiện giám sát toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng và hoạt động của thị trường tài chính nhằm hạ thấp mức độ rủi ro, kịp thời cảnh báo những nguy cơ làm mất an ninh trong hệ thống trung gian tài chính; Tạo lập hệ thống cảnh báo chung nguy cơ mất an toàn về tài chính đối với doanh nghiệp và khu vực dân cư. 

Thứ hai: Đảm bảo an ninh tài chính trong thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng thương mại. Hệ thống ngân hàng thương mại là huyết mạch của hệ thống tài chính Quốc gia. Đây là kênh dẫn vốn chính của cả nền kinh tế nên bất cứ tổn thương nào đối với hệ thống này cũng gây ra những phức tạp khó lường cho an ninh tài chính Quốc gia. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà bắt đầu từ Mỹ được bắt nguồn từ những sai sót trong hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ là một ví dụ điển hình.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng: chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt, kiểm soát tốt các rủi ro trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đồng thời cần tiến hành các biện pháp mạnh để hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế, kiểm soát thị trường ngoại hối, thị trường vàng trên thị trường tự do, kiểm soát tất cả các hoạt động thu nhập bất chính và có ảnh hướng xấu tới an ninh tài chính. Thị trường chứng khoán cần được duy trì an toàn, ổn định phù hợp với các quy luật của thị trường và có sự kiểm soát của Nhà nước.
Thứ ba: Xây dựng hệ thống Ngân sách Nhà nước an toàn, phát triển và có vai trò định hướng chiến lược trong hệ thống tài chính Quốc gia. Ngân sách Nhà nước mạnh sẽ làm cho Nhà nước chủ động hơn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giải quyết kịp thời những khó khăn, sự cố tài chính vi mô. Vì vậy cần xây dựng hệ thống thuế minh bạch công bằng để tạo nguồn thu ổn định cho Ngân sách Nhà Nước. Đi đôi với việc nuôi dưỡng nguồn thu Ngân sách cần tăng cường quản lý thu, nộp, hạch toán, kiểm tra quyết toán thuế. Giải quyết hài hòa về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội khi ban hành các chính sách chế độ động viên Ngân sách Nhà nước. Vừa đảm bảo nguồn thu tài chính để nhà nước thực hiện điều chỉnh vĩ mô, thực hiện các chính sách xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng vừa không kìm hãm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người sản xuất, giải phóng sức lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, vần đề sự dụng Ngân sách Nhà nước một cách tiết kiệm, hiệu quả là vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay. Bởi tình trạng thất thoát trong sử dụng Ngân sách Nhà nước không chỉ do tham nhũng lãng phí mà còn do ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ nên nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm còn ăn thua lỗ hoặc hiệu quả chưa cao gây mất vốn Nhà nước. Việc duy trì bội chi Ngân sách ở một tỷ lệ hợp lý, vay nợ nước ngoài được sử dụng hiệu quả đúng mục đích, quản lý tốt nguồn thu chi ngân sách … chính là việc làm góp phần lành mạnh hóa nền tài chính Quốc gia.
Thứ tư:  Đảm bảo an ninh tài chính nội địa trong đầu tư phát triển. Thu hút các nguồn lực trong nước để đầu tư cho phát triển là sự khẳng định sức mạnh nội lực của một nền kinh tế. Đây là nguồn vốn đầu tư phát triển đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Cần phải củng cố các khoản đầu tư có sử dụng các nguồn vốn trong nước, vì đây là nguồn vốn vừa cơ bản vừa lâu dài. Chiến lước đầu tư sai trong một giai đoạn nhất định sẽ làm suy yếu nền tài chính Quốc gia.

Vì vậy cần phải xác định cơ cấu đầu tư, hướng đầu tư và chiến lược đầu tư phù hợp với từng yêu cầu của các giai đoạn cụ thể. Song song với việc đẩy mạnh đầu tư từ nguồn vốn nội địa cần đẩy mạnh hoạt động huy động vốn quốc gia thông qua các kênh khác nhau nhằm phân tái rủi ro trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo một hành lang pháp lý an toàn, hiệu lực hiệu quả nhằm huy động và sử dụng tối ưu nguồn vốn nội địa cho đầu tư phát triển.
Điều chỉnh mục tiêu, cơ cấu lĩnh vực đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và các dự án trọng điểm; Nhà nước chỉ nên đầu tư với tư cách khởi động vào những lĩnh vực then chốt để hướng dẫn và khuyến khích các khu vực khác đầu tư theo định hướng chiến lược của cả nước; Giảm dần tỷ trọng đầu tư Nhà nước vào các khu vực kinh tế có môi trường cạnh tranh cao. Tiếp tục duy trì và nâng tỷ trọng đầu tư phát triển trong chi ngân sách Quốc gia hàng năm.
Thứ năm: Đảm bảo an ninh tài chính đối ngoại thông qua việc nâng cao việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài, đảm bảo nguồn trả nợ vững chắc nhằm loại bỏ nguy cơ mất an ninh tài chính. Vì nguồn vốn nước ngoài dưới các hình thức FPI, FDI, ODA thực chất là những khoản nợ luôn tiềm ẩn khủng hoảng nghiêm trọng.  Vì vậy, vấn đề tăng cường quản lý các khoản nợ nước ngoài nhằm đảm bảo mức vay an toàn, có nguồn trả đối ứng rõ ràng là một việc làm vô cùng quan trọng trong bối cạnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Thứ sáu: Các biện pháp nâng cao năng lực hoạt động của toàn bộ nền kinh tế nói chung, năng lực kiểm soát an ninh tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là việc làm rất quan trọng có ảnh hướng không nhỏ đến an ninh tài chính Quốc gia. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng đề kháng rủi ro trong hoạt động tài chính doanh nghiệp.

Cần tăng cường giám sát tiến tới đẩy lùi hiện tượng gian lận thương mại, tội phạm kinh tế đảm bảo tính an toàn minh bạch trong kinh doanh. Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu nhằm đánh giá đúng tình hình tài chính doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất an ninh tài chính sẽ gây ra rủi ro hệ thống cho nhiều đối tượng trong xã hội như: người cung cấp đầu vào, các ngân hàng tài trợ vốn cho doanh nghiệp.

Rủi ro tài chính là một vấn đề tồn tại khách quan trong nền kinh tế thị trường, mặc dù đã có sự định hướng của Nhà nước. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro tài chính và tiến tới đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng tài chính ở các mức độ khác nhau, chúng ta cần nhìn nhận khách quan các nhân tố gây nên rủi ro tài chính. Từ đó đề ra các biện pháp phù hợp với từng giai đoạn cụ thể là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế Quốc tế sâu rộng như hiện nay./.  

In bài viết Quay lại

VIDEO
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
ALBUM
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
THÔNG BÁO