Chào mừng khai giảng
Banner Top AnViet2
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ

218

1759279

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an
Công an Thành phố Hà Nội
Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Công an Thành phố Đà Nẵng
Công an nhân dân online
ANTV
An ninh thủ đô

Chuyện đời của nữ bảo vệ gần 40 năm gắn cuộc đời với trường học

18/03/2015

Gần 40 năm gắn bó với nghề bảo vệ, dù đã về hưu, bác Ngọc vẫn dành trọn thời gian của mình để “canh giữ những cánh cổng tri thức, nhìn đàn con thơ vui vẻ tan trường”.


Qua 36 mùa mưa nắng, vẫn là bóng dáng bác nữ bảo vệ Công Thị Ngọc (1958, Hà Nội) gắn liền với bao sự đổi thay của trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Ít ai ngờ rằng, đằng sau đôi mắt biết cười, giọng nói dịu dàng “không tuổi” ấy lại là một hành trình dài về chuyện đời, chuyện nghề đầy nghị lực và thăng trầm.

 

Lương 3000 đồng/ngày vẫn gắn bó với nghề bảo vệ

Rời Thủ đô hoa lệ khi vừa tròn tuổi 18 mộng mơ, sẵn sàng vào miền đất Thanh Hóa để đi bộ đội 4 năm ròng, cô bộ đội trẻ Công Thị Ngọc đã trở về quê hương với những dạn dày, từng trải cuộc sống quân ngũ tôi luyện.

Lựa chọn cho mình một môi trường nhẹ nhàng, năm 1979, bác Ngọc chuyển về trường Tuyên huấn Trung ương 1 (Học viện Báo chí & Tuyên truyền bây giờ), làm ở nhà ăn phục vụ cho sinh viên thiên về nữ công gia chánh.

Bác Công Thị Ngọc.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc tiếp phẩm ở nhà ăn, năm 1992, bác Ngọc chính thức chuyển sang làm bảo vệ cho trường. Hình ảnh một nữ bảo vệ hiền hòa, dễ gần và có nghị lực phi thường tận tụy với cái nghề tưởng chừng nhàn rỗi này đã trở thành một điều đặc biệt khiến mỗi sinh viên đi qua cổng trường đều phải ngoái nhìn vài lần.

Nghề bảo vệ tại trường học, đặc biệt là trường Đại học tưởng chừng là sự thảnh thơi, là dành cho những người đã về hưu muốn tìm thú vui trong tuổi già… Nhưng với bác Ngọc – người phụ nữ duy nhất tại ngôi trường này gắn bó với nghề bảo vệ, thì đó lại không chỉ là niềm vui sống, mà còn là miếng cơm manh áo của cả gia đình bác.

Năm 1992, những bảo vệ vào nghề như bác Ngọc nhận lương công nhật là 3000 đồng/ngày, thật cực chẳng đã để trang trải cho cuộc sống thường nhật vốn đắt đỏ o Thủ đô. Thay vì oán trách hay than thở bao nỗi nhọc nhằn của bản thân, bác Ngọc lựa chọn làm 2ca/ngày, có khi gần 20 tiếng đồng hồ để lo cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Giấy tờ hợp đồng của những ngày ấy còn được bác trân trọng và lưu giữ cẩn thận tại nhà. Dù 90.000 đồng/tháng chẳng đủ để sống nhưng bác vẫn vui vẻ bởi trải qua những năm tháng phong sương, nghề bảo vệ dường như trở thành cái duyên của bác.

Góp nhặt thời gian của một ngày gần như dành trọn cho công việc, dẫu với một người phụ nữ là quá vất vả nhưng bác bảo vệ luôn chấp hành đúng kỉ luật, thức dậy từ tinh mơ sáng không quản nắng mưa, để đến tận 10h đêm, bác lại lặng lẽ một mình trên chiếc xe đạp cũ trở về tổ ấm nhỏ.

Suốt hơn 20 năm qua đi, số ngày nghỉ dành thời gian cho bản thân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những ngày trái nắng trở trời khiến cơ thể đau nhức, bác Ngọc luôn tự mình gặm nhấm nỗi đau ấy bằng vẻ mặt bình tĩnh, thanh thản khiến ít ai để ý, lo lắng, bởi với bác: “Bệnh viện tốn kém lắm, bao giờ còn chịu được thì bác vẫn cố gắng chứ cháu!”.

Bác Ngọc tự hào chia sẻ, niềm vui ánh lên trên đôi mắt cười: “365 ngày thì bác làm đủ cả. Có khi 10 năm làm liên tiếp chẳng nghỉ một ngày nào. Dạo vừa rồi bị đau cột sống, bác mới nằm viện 8 hôm. Có lẽ đây cũng là kì nghỉ dài hạn nhất của bác đấy! (cười)”

“Tư vấn viên” đắc lực của nhiều sinh viên

Có lẽ gắn bó quá lâu với nghề, bác Ngọc luôn có những cách riêng để khiến công việc của một người bảo vệ được trọn vẹn đúng nghĩa của nó.

Hằng ngày, bác cẩn thận kiểm tra thẻ ra vào, nhạy bén trong việc phát hiện dấu hiệu tình nghi của những kẻ gian… bén mảng quanh trường học. Bác cũng không ngần ngại “xê dịch” để kiểm tra an ninh trường học một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Những khi mê nghề, say nghề ấy, không ít lần bác bảo vệ nhiệt huyết này gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.

Bác Ngọc trở thành "tư vấn viên đắc lực" của sinh viên.

Buổi tối, khi ánh điện bật sáng những góc tối sân trường, chẳng khó khăn gì để bác Ngọc nhìn thấy những cặp tình nhân tâm sự trên ghế đá. Tưởng rằng bác sẽ bật thốt lên lời phản đối hay tiếng thở dài ngao ngán, nhưng thật ngỡ ngàng khi bác Ngọc lại chia sẻ thật lòng: “Giới trẻ bây giờ mạnh bạo, thẳng thắn khác hẳn các bác ngày xưa, nghĩ thoáng mà sống cũng thoáng. Nhưng bác cũng không lỗi thời hay cổ hủ đến mức phản đối chuyện tình cảm đôi lứa, bởi vì ai chẳng có một thời trẻ tuổi sôi nổi với tình yêu. (cười)”.

Và cũng chính những lần đi tuần tra ấy, bác Ngọc lại trở thành “quân sư”, “tư vấn viên” cho những bạn trẻ đang lạc lõng điểm tựa nơi đất khách quê người. Có những nỗi niềm của tân sinh viên chỉ có thể giấu sau những giọt nước mặt trong bóng tối… Có những hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể lặng câm phấn đấu để nhận tri thức mong thay đổi tương lai… Những giọt nước mắt ấy, những niềm đau ấy đều được bác bảo vệ già đáng kính xoa dịu trong ánh mắt cảm thông đầy yêu thương dành cho cháu con, trong khuôn mặt hiền hòa và bàn tay luôn an ủi, vỗ về thương xót.

Trong bóng tối, có những cô cậu sinh viên đã dũng cảm gạt nước mắt, bước ra ánh sáng để vui sống, để cống hiến nhờ những lời chia sẻ, động viên của vị “quân sư” đáng kính hiền lành.

Bởi tấm lòng nhân hậu của người bà, người mẹ ấy, suốt những năm tháng đi qua, bao thế hệ học trò đến rồi đi đấy, bác Ngọc vẫn kiên định với công việc, với sứ mệnh “bảo vệ” của mình, không chỉ để “canh giữ những cánh cổng tri thức”, mà còn là  “nhìn đàn con thơ vui vẻ tan trường”.

Lấy an lạc vùi lấp những niềm đau

Niềm hạnh phúc hơn cả mà người phụ nữ nhân hậu này nhận được là sự kính trọng, tình yêu thương của lớp lớp thế hệ sinh viên, của những giảng viên, cán bộ trong trường; những chuyến đi thực tế nước ngoài dài ngày chỉ đãi ngộ cho những người có công, cống hiến nhiều cho Học viện… Có lẽ chỉ cần có vậy, mà nghề bảo vệ cứ níu kéo thời gian của bác mãi, dù lí ra, ở tuổi lục tuần xấp xỉ này, bác Ngọc đã phải nhàn nhã an hưởng tuổi già bên cháu con.

Bác tâm niệm: “Dù cuộc sống có khó khăn, cực khổ thế nào thì chỉ cần mình sống tự cảm thấy hạnh phúc, tự thỏa mãn thì sự an lạc, tĩnh tâm ấy sẽ vùi lấp những niềm đau. Bao giờ còn sức bác vẫn còn làm, vì cái nghề nó gắn liền với cái mệnh.”

Chẳng phải là những lời nói suông sáo rỗng, nhìn nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt người phụ nữ luống tuổi này, ai cũng sẽ hiểu nghề bảo vệ trường học tưởng chừng tẻ nhạt này với bác lại là niềm vui, niềm trân trọng đáng tự hào.

 

In bài viết Quay lại

Bài viết khác
VIDEO
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
ALBUM
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
THÔNG BÁO